Mình nghĩ một trong những kĩ năng mà mình luôn muốn làm tốt hơn là truyền đạt những concept và ý tưởng phức tạp một cách ngắn gọn, dễ hiểu hết mức nhưng không làm mất ý chính nó. Trong ngành của mình (mình có một công việc full time khác), kĩ năng này rất quan trọng vì lãnh đạo doanh nghiệp thường chỉ nhìn vào ý chính, chứ không phải chi tiết của vấn đề. Mình nghĩ cái cốt lõi của kĩ năng này là một thứ rất quen thuộc với nhiều người: chất lượng hơn số lượng. Mình tự thấy là mình cũng đã áp dụng quan niệm này trong hành trình sưu tập đồng hồ của mình. Chiếc Cartier Tank Basculante Mechanical này rất đặc biệt với mình vì nó không chỉ là một món quà (tự thưởng) để kỉ niệm một bước tiến, mà nó còn là một chiếc đồng hồ mà mình đã phải cho một vài chiếc đồng hồ đắt tiền khác ra đi để có thể sở hữu được nó.

Nhìn từ xa thì chiếc đồng hồ này rất giống những chiếc Cartier Tank, nhưng nó thật sự rất khác ngay cả với những chiếc Tank cổ điển và hiện đại. Lí do là nằm ở tên của nó, Basculante. Basculante có nghĩa là “lật”, một chức năng của chiếc đồng hồ này cho phép bạn xoay mặt đồng hồ vào trong. Chức năng này được thiết kế để người đeo có thể bảo vệ đồng hồ khỏi sự va chạm bằng cách quay mặt kính vào phía sau. Cũng vì chức năng này mà crown và viên đá cabochon quen thuộc phải dời từ bên phải đồng hồ lên phía trên, và được gắn liền vào phần khung có thể lật. Mình nghĩ chức năng và thiết kế này giúp thân đồng hồ trông khá gọn gàng khi không bị chia tách bởi crown.

Bây giờ nói đến điểm mình thích nhất của chiếc Basculante này, đó là mặt guilloche. Guilloche là kĩ thuật khắc những hoa văn trang trí nhỏ trên một mặt phẳng, và mặt phẳng trong trường hợp này là mặt đồng hồ. Mỗi hãng đồng hồ có cách khắc guilloche riêng, và mình nghĩ cách Cartier làm guilloche rất dễ nhận ra. Chi tiết khắc trên chiếc Basculante này không sâu cho nên nếu nhìn từ xa thì trông nó không khác gì 1 mặt đồng hồ trơn. Thật sự khá khó để nhận thấy hoa văn này nếu như không tới gần. Nhưng khi bạn tới gần rồi thì chi tiết guilloche thật sự rất cuốn hút.

Bộ máy của chiếc Basculante này vừa ấn tượng nhưng cũng vừa khá khó dùng. Chiếc Basculante này dùng máy Frederic Piguet caliber 6.10 (Cartier gọi là máy 610 cho gọn), là máy lên tay chỉ có thời gian, và CHỈ CÓ đường kính 15.2mm với độ dày 2.1mm. Để dễ hình dung, độ dày của một tờ giấy A4 bình thường là cỡ 0.1mm, có nghĩa là máy 610 chỉ dày cỡ 20 tờ giấy A4. Máy 610 được xem là một trong những bộ máy cao cấp, và nó thật sự chạy chính xác ngang ngửa máy Omega 2500 Co-Axial chuẩn chronometer trong chiếc Seamaster SMP 300 của mình. Điều đó thật sự ấn tượng. Cái khó chịu của bộ máy này là cách lên dây. Vì crown của đồng hồ dính liền vào thân, nó thật sự khó để có thể quay được liền mạch tròn 1 vòng crown. Nhưng mà bạn sẽ từ từ quen với việc đó thôi.

Sau khi sở hữu phiên bản quartz và mechanical của chiếc Basculante, mình nghĩ hai chiếc đồng hồ này đeo hoàn toàn khác nhau mặc dù cùng là mẫu Basculante. Bạn có thể nghĩ là kích cỡ của đồng hồ phiên bản mechanical to hơn là lí do của sự khác biệt này. Nhưng mình nghĩ lí do chính làm hai phiên bản đeo trông khác hẳn nhau là do kích cỡ dây da đi theo từng phiên bản. Lug của phiên bản quartz là 16mm và dây da sẽ thon xuống 14mm, trong khi lug của phiên bản mechanical là 20mm và dây da thon xuống 18mm. Dây da size 20mm đeo khá to, làm cho chiếc đồng hồ trông thể thao hơn, và mình nghĩ sẽ hợp hơn với cổ tay của nam từ 15cm trở lên. Còn dây da 16mm thì hợp cả nam lẫn nữ, đeo cảm giác giống như những chiếc Tank khác, và vừa với cổ tay nhỏ tầm mức 13-15cm.

Quay lại vấn đề “chất lượng hơn số lượng”, chiếc Basculante mechanical này trông có vẻ khá đơn giản, nhưng với mình tất cả những chi tiết trên chiếc đồng hồ này được tạo ra một cách hoàn hảo. Thiết kế thân đơn giản với mặt đồng hồ guilloche rất ẩn mình nhưng sắc sảo, bộ máy không được sản xuất in-house nhưng vẫn cao cấp và chính xác, đeo khá to nhưng rất thanh lịch, mọi chi tiết này đều được làm rất hoàn hảo. Mình không hối hận khi đã bán tổng cộng 3 chiếc đồng hồ để có thể mua được chiếc Basculante mechanical này. Nó giúp mình tinh giản lại bộ sưu tập đồng hồ mà mình có, đồng thời bổ sung vào đó những yếu tố mà những chiếc đồng hồ hiện hữu của mình thiếu đi.

Bởi Daniel Q

5 những suy nghĩ trên “REVIEW: CARTIER Tank Basculante Mecanique – Chất lượng vượt Số lượng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *