Mình không dám tự nhận mình là một người sưu tầm đồng hồ vì từ “người sưu tầm” nghe nó khá trịnh trọng. Nhưng mà mình có thể tự tin nói là mình là một người rất đam mê đồng hồ. Niềm đam mê này bắt đầu cách đây 4 năm về trước khi nó chỉ mới là một sở thích bình thường, và sở thích này lớn dần lên và trở nên nghiêm túc hơn theo năm tháng. Như những người đam mê / sưu tầm đồng hồ khác, mình đã mắc phải rất nhiều sai lầm khi mua và bán đồng hồ. Những sai lầm này quan trọng trong việc giúp mình hiểu được mình thật sự thích gì ở đồng hồ. Bài viết này hoàn toàn dựa trên quan điểm và trải nghiệm cá nhân, và mình xin chia sẻ về 5 điều mình đã đúc kết được trong quá trình sưu tập đồng hồ suốt 4 năm qua của mình.

1. Nó phải là bộ sưu tập CỦA BẠN

Một điều có thể xem như là quan trọng nhất trong việc sưu tập đồng hồ đó là BẠN phải là tâm điểm của bộ sưu tập. Đồng hồ của bạn nên phản ánh được bạn là người như thế nào và chỉ phản ánh về mỗi mình bạn mà thôi. Mình nghĩ là một người vẫn có thể có một bộ sưu tập chỉ có đồng hồ dive (lặn) / dress / chronograph nếu như bạn thật sự thích những dòng đó. Mình đã thấy vài trường hợp khi một người tự nhiên muốn mua thêm một chiếc dress watch để làm cho bộ sưu tập của mình “cân bằng” hơn, và mình nghĩ điều này chỉ có lí nếu như bạn thật sự cần một chiếc dress watch cho những dịp quan trọng. Ngoài lí do đó ra, mình nghĩ không việc gì phải “cân bằng” bộ sưu tập của mình bằng cách thêm vào những chiếc đồng hồ khác không cùng gu.

2. Xem tận mắt, thử tận tay

Khi quyết định mua một chiếc đồng hồ, bạn luôn phải xem tận mắt và thử tận tay. Bất kể là hình chụp chiếc đồng hồ đẹp tới mức nào, nó cũng không thể miêu tả chiếc đồng hồ một cách chính xác. Số đo cũng không thể nói lên được việc chiếc đồng hồ đeo lên tay bạn sẽ trông ra sao. Đã không biết bao nhiêu lần mình thấy hình của một chiếc đồng hồ rất đẹp, nhưng khi thấy nó ngoài đời và được trải nghiệm lên tay rồi thì mình lại đổi ý. Điều này cũng được áp dụng khi bạn mua đồng hồ online. Mình nghĩ bạn có thể mua đồng hồ ở bất cứ nơi đâu bằng bất cứ cách gì nhưng trước đó bạn nên trải nghiệm chiếc đồng hồ đó tận tay đã.

3. Tìm hiểu mình thích gì

Bên trên mình có nói là mình đã mắc phải rất nhiều sai lầm khi mua và bán đồng hồ. Tất cả những sai lầm đó giúp mình hiểu được mình thích gì ở một chiếc đồng hồ. Với mình thì mình thích những chiếc đồng hồ có thể đeo được trong mọi dịp, thiên về phần thể thao năng động hơn một tí. Một số loại đồng hồ hợp với sở thích của mình là Rolex Datejust và Cartier Tank / Santos trong phân khúc đồng hồ hiệu Thụy sỹ “trung cấp”
(mình biết là giá của tụi nó không hề dễ chịu, nhưng nó vẫn được xem là tầm trung so với nhiều thương hiệu nổi tiếng khác), và Patek Philippe 3940 vàng trắng hoặc JLC  Ultra Thin Perpetual thép trong phân khúc cao cấp hơn. Phong cách thời trang của mình kết hợp giữa casual (bình dân) và dressy (điệu đà), cho nên đồng hồ của mình cũng sẽ phải phù hợp với phong cách ấy.

Mình chỉ biết mình thích đồng hồ như nào sau khi mua những chiếc đồng hồ thật sự không phù hợp với mình. Mình đã từng mua một chiếc vintage Omega vàng khối mà khi nhìn lại thì nó thật sự quá “vàng” với mình, vì mình không có một món trang phục hay phụ kiện nào đi hợp với đồng hồ vàng và vì mình thật sự cảm thấy khó có thể đeo một chiếc đồng hồ vàng lâu dài. Mình thích một chiếc đồng hồ trông “chìm” hơn một chút ví dụ như là làm bằng thép hay vàng trắng. Mình nghĩ mình đã chỉ đeo chiếc vintage Omega đó tổng cộng 3 tuần và sau đó nó đã nằm trong hộp cũng phải 4 tháng cho tới lúc mình quyết định bán đi. Đồng hồ rất đắt tiền, cho nên bạn nên cần phải biết được là mình thích gì trước khi bỏ rất nhiều tiền ra để sở hữu nó.

4. Biết về câu chuyện đằng sau chiếc đồng hồ

Câu chuyện ở đây có thể là lịch sử của chiếc đồng hồ hoặc là câu chuyện của chính bạn dẫn đến việc bạn mua chiếc đồng hồ đó. Có một vài chiếc đồng hồ mà mình nghĩ có một lịch sử khá hay, ví dụ như chiếc Omega Moonwatch hay JLC Reverso. Nhưng bạn có nhất thiết phải biết về lịch sử của tất cả những chiếc đồng hồ bạn mua không? Không hề. Mình nghĩ điều quan trọng hơn cả là biết được vì sao mình muốn mua chính chiếc đồng hồ này. Mình có thể không biết tất cả lịch sử của những chiếc đồng hồ mình đang sở hữu, nhưng mình nhớ rõ khi nào và vì sao mình mua từng chiếc đồng hồ đấy. Thú thật là lịch sử của chiếc đồng hồ có thú vị hay không chỉ là một điểm cộng, vì chính bạn sẽ là người viết nên lịch sử cho chính chiếc đồng hồ khi bạn đeo nó đúng không nào.

5. Đừng mua nhanh, bán vội

Đồng hồ rất đắt tiền cho nên mình nghĩ là nên suy nghĩ thật thật kĩ trước khi mua, và vì nó cũng là một món đồ có ý nghĩa cho nên cũng cần suy nghĩ thật thật thật kĩ trước khi bán nó. Mua nhanh, bán vội có nghĩa là bạn đã dành rất ít thời gian để suy nghĩ trước khi quyết định, có nghĩa là khả năng bạn hối hận với quyết định đó là rất cao. Mình thật sự cũng đã đưa ra quyết định mua rất chớp nhoáng vài lần (thường là dành ít hơn 1 ngày để suy nghĩ) trong 4 năm vừa qua, và cuối cùng là mình đã bán tất cả những chiếc đồng hồ “mua vội” đó. May mắn là mình chưa bán vội chiếc đồng hồ nào. Mình không muốn phải bán một cách thiếu suy nghĩ một chiếc đồng hồ mà mình yêu thích với không cách nào mua lại. Để thể hiện giá trị của đồng hồ, nó là cả một quá trình và câu chuyện dẫn đến vì sao bạn mua chiếc đồng hồ đó, cho nên hãy suy nghĩ thật kĩ trước mỗi quyết định mua hoặc bán của mình.

Cuối cùng thì điều quan trọng nhất mình nghĩ bạn lúc nào cũng phải nhớ đến khi bắt đầu một bộ sưu tập đồng hồ là MUA NHỮNG CHIẾC BẠN THÍCH. Không nên nghe theo ý kiến người khác hoặc mua theo phong trào (trừ khi bạn thích việc đó). Bạn nên biết về sản phẩm mà mình mua, chỉ mua cho bạn và chỉ bạn mà thôi, và hãy tiếp tục sưu tầm!

Viết bởi Daniel Q.