Có lẽ các bạn đã nghe đến từ ‘patina’, nhưng thực sự nó là gì?

Gần đây, một trong những thứ có thể làm ‘sốc’ đôi mắt của bạn (hoặc đôi khi còn có vẻ khá nực cười) là nhìn thấy một cậu trai nhảy cẫng lên với một chiếc đồng hồ trong tay, mà mặt số của nó không thể nhận ra hoặc xác định được. Không phải vì đó là một chiếc đồng hồ không thương hiệu, mà cái chính là vì mặt số của nó đã bị hư hại, và cái dạng ‘hư hại’ này lại là một thứ gì đó khá tuyệt vời – hay gọi cách khác chính là ‘patina’.

Bộ sưu tập 5 chiếc patina của mình

Cậu kia không ai khác chính là mình.

Đồng hồ vintage (cổ điển) đã trở nên ngày càng phổ biến trong vài năm qua và có hàng triệu người sưu tập có thú chơi đồng hồ này. Trong khi mình dám nói rằng hẳn đến 90% số đông vẫn thích những chiếc đồng hồ không trầy xước và mới nhất có thể, mình vẫn tin rằng có đâu đó những người giống như mình, lại cảm thấy hấp dẫn với hình dáng sờn cũ, trầy xước và phai mờ.

Mình nghĩ rằng người ta đang bị nhầm lẫn giữa đồng hồ vintage thực sự và đồng hồ kiểu dáng vintage. Mình khá chắc họ thích cái dạng thứ hai hơn bởi vì loại đồng hồ kiểu này là đồng hồ mới và vẫn còn sản xuất, so với những chiếc chuẩn vintage đã sống một cuộc đời trầy trật.

Patina – giải thích đơn giản là quá trình lão hóa tự nhiên thường gây ra cho đồng hồ một vẻ gì đó khá cũ kĩ và có màu nâu nâu – là điều ưa thích của một phần lớn người sưu tập, gồm cả mình. Patina không diễn ra qua một đêm. Nhiều năm trời sử dụng, ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm là một trong những yếu tố gây ra hiệu ứng patina và quá trình này làm cho thế giới đồng hồ vintage trở nên thú vị hơn bao giờ hết.

Mình đã đọc đâu đó “Nếu tôi thích một cái gì đó mới, tôi sẽ đi thẳng đến boutique và mua nó. Nhưng tôi lại muốn một cái gì đó khác biệt; một cái đồng hồ được tạo thành đặc biệt bởi quá trình già đi.”. Thật tình mình không thể đồng ý hơn, và đó là tại sao hôm nay mình muốn chia sẻ với các bạn bộ sưu tập đồng hồ patina khá tự hào của mình.

OMEGA (1958) Seamaster Automatic ref. 2846

Đây là chiếc đồng hồ patina đầu tiên của mình. Mình thích nó đến nỗi mình thậm chí còn làm một video về nó (nhấn vào đây). Mặt số của chiếc đồng hồ này bị hư hại khá nặng, đến nỗi mình chỉ còn lờ mờ đọc được những dòng chữ.

Một tấm ảnh cận cảnh và các bạn có thể thấy một vài mảng của bề mặt đã bong tróc ra. Mình không biết cái mặt nguyên bản của nó trông như thế nào, nhưng nói thật mình cũng không quan tâm lắm. Chiếc đồng hồ này là một cú đánh thẳng vào tim mình, và mình còn cho nó một cái tên khá sến – ‘bầu trời mùa thu’.

OMEGA (1954) Seamaster Automatic ref. 2766

Tiếp theo chiếc Seamaster trên, đây là chiếc thứ hai mình có được. Mình phải thừa nhận mình may mắn vì mặt số của nó vẫn trong tình trạng rất tốt.

Phần patina trải ra đồng đều trên cả bề mặt và trong trường hợp này mình nghĩ lí do chính đó là độ ẩm. Một điểm khác thu hút mình chính là phần kim giây nhỏ, mang lại một điểm duyên dáng cho mặt số này.

The SEIKO King Seiko (1973-1983) Automatic Hi-Beat Chronometer

Chiếc đồng hồ này là một trong những gì tối tân nhất của người Nhật vào lúc bấy giờ. Như bên dưới các bạn có thể thấy vẻ ngoài nguyên gốc của chiếc đồng hồ, với phần mặt số ánh bạc chải tia.

Tuy chiếc của mình vẫn giữ được hiệu ứng chải tia, nhưng mặt số đã ở một tông hoàn toàn khác.

Giải thích bởi người thợ của mình “Lí do khá phổ biến đằng sau chính là do một người thợ dùng quá nhiều dầu khi anh ta bảo dưỡng đồng hồ. Lượng dầu rò rĩ ra đâu đó trong bộ máy (các bánh răng, bánh xe, v.v.) và bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ và độ ẩm, gây ra hiện tượng màu như vậy.”

OMEGA (1935) pre-WWII 

Chiếc đồng hồ cổ này lùi trở về tận năm 1935. Thật tình mà nói sau ngần ấy năm nó vẫn còn quá tốt so với mong đợi.

Mặt số là kết quả của bụi, mốc và độ ẩm. Một tính năng mà mình khá yêu đó là bộ kim nung xanh.

LONGINES (1959) ref. 6884

Cuối cùng nhưng chưa phải là hết, chiếc patina gần đây nhất của mình là của hãng LONGINES. So với những chiếc kia, mặt số của chiếc này sở hữu một màu sắc rất mạnh, đậm hơn và sáng hơn.

Mỗi lần nhìn nó là mình lại liên tưởng đến cảnh mình đang đeo một cái bánh gạo trên tay. Và yes, bánh gạo là món ưa thích của mình.

Nếu các bạn muốn xem thêm nhiều đồng hồ patina như thế này, hãy ghé thăm vintage4life.vn, Instagram, hoặc Facebook nhé.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *